Source: http://viet-esl.info/showthread.php?tid=1890
Theo cấu trúc của formal writing, một đoạn văn phải cần có 3 thành phần sau: topic sentence (câu chủ đề, hay còn được gọi là câu mở đoạn trong bài viết này), phần thân đoạn (body, supporting ideas) và câu kết luận (concluding sentence). Trong phạm vi bài này, mình muốn trao đổi với các bạn về cách viết câu chủ đề. Câu chủ đề là phần khái quát đại ý của cả đoạn. Nó có nhiệm vụ tóm tắt ngắn gọn nội dung cũng như mục đích viết bài của người viết và trong format chuẩn, nó thường là câu đầu tiên của đoạn.
Có một số bạn sẽ thắc mắc tại sao lúc nào cũng phải làm theo format trên? Hoặc là, tôi dùng 2 hoặc 3 câu đầu để làm phần mở đoạn được không? Hay, câu mở đoạn tôi không muốn đặt đầu đoạn mà đặt ở giữa hoặc cuối đoạn thì có ảnh hưởng gì không? Thực sự mà nói, các bạn vẫn có thể dùng nhiều hơn một câu để làm câu mở đoạn, vị trí của câu mở đoạn cũng không nhất thiết phải là ở đầu đoạn. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo rằng 2, 3 câu mở đoạn của bạn phải thực sự truyền cảm hứng hoặc thu hút được người đọc, bằng không người đọc sẽ bỏ qua bài của bạn từ những câu đầu tiên. Vấn đề vị trí của câu mở đoạn cũng vậy, nếu bạn nghĩ rằng bạn đủ kĩ thuật lôi kéo được lòng kiên nhẫn của người đọc để họ đi tìm nội dung chính mà bạn muốn nói trong cả đoạn thì bạn cứ thỏa thích sắp xếp các câu trong đoạn văn theo ý muốn của cá nhân bạn. Còn trong trường hợp bạn không biết phải bắt đầu từ đâu (đặc biệt là những bạn beginners, hoàn toàn không biết phải viết thế nào cho đúng) thì mình khuyên các bạn nên theo format chung để tránh gây nhầm lẫn hay khó chịu cho người đọc.
Vậy điều gì cần lưu ý khi chúng ta viết câu chủ đề?
Theo format chung, câu chủ đề phải thỏa các điều kiện sau:
- Là câu đầu tiên của đoạn.
- Đi thẳng vào vấn đề, không đi lòng vòng, lan man.
- Giới thiệu chủ đề, khái quát được nội dung chung của cả đoạn, nhưng cũng không đi quá sâu vào chi tiết.
- Tránh sử dụng các câu văn informal hoặc dùng trong văn nói.
Mời các bạn xem ví dụ về câu mở đoạn cho đề bài: “Describe your best friend.”
I have a lot of friends. All of them are very nice to me. Among them, ABCD is my best friend and I want to tell you about him.
Nếu chung ta nhìn theo format, câu đầu tiên phải là câu chủ đề, thì “I have a lot of friends.” rõ ràng không phải là một câu chủ đề tốt vì nó chưa thực hiện được chức năng giới thiệu và khái quát nội dung mà để bài đặt ra cho người viết. (Ở đây đề muốn biết ai là người bạn tốt của bạn và người bạn đó ra làm sao chứ không phải việc bạn có nhiều hay ít bạn bè.)
Nhìn lướt qua, đến tận câu thứ 3 chúng ta mới thấy xuất hiện ý mà đề bài yêu cầu, điều này làm cho bài viết trở nên dài dòng và lan man. (Nếu phải đọc nhiều bài đi lòng vòng như thế này,thì người đọc cũng sẽ bỏ cuộc thôi.)
Và cụm “I want to tell you about A” là một câu hoàn toàn dùng cho văn nói, không phải văn viết.
Sau đây là câu sửa lại cho phần mở đoạn trên.
1. ABCD is my best friend.
Câu này có thể bị gọi là khô khan về mặt văn chương. Tuy nhiên nó thỏa mãn được tất cả các yêu cầu mà một câu mở đoạn cần có. “ABCD is my best friend.” đi thẳng trực tiếp vào giới thiệu bài viết. (Và ít nhất ở trình độ beginner, các bạn có bí ý quá cũng phải viết được câu này.)
2. Although I have met and made friends with a lot of people, ABCD appears to be my best friend.
Câu này hơn câu ví dụ trên ở chỗ nó khái quát được nội dung của bài là nói về bạn bè trước (vế đầu), sau đó mới nhấn mạnh nội dung bài viết là về A – người bạn tốt của tôi (vế sau). Và sẽ tùy theo lượng từ vựng cũng như khả năng cảm nhận văn chương của mỗi bạn mà các bạn sẽ có những câu mở đoạn hay hơn nữa.
Đi xa hơn một xíu, đối với đề bài: “Read the story [Lưu Bình – Dương Lễ] below. In a paragraph (may write more than one) try to answer these question: Do you like the story? Why or why not? Give specific reasons and examples to support your answers.”
This is the first time I have read the story. The story is very meaningful. I really like it. It is about friendship.
Phần mở đoạn này ngoài dính lỗi dài dòng, lan man, không khái quát được ý tổng quát mà người viết muốn đề cập, còn dính lỗi nghiêm trọng về phần không giới thiệu câu truyện. Chúng ta hay mặc định có câu hỏi là nhảy vô trả lời mà quên rằng văn viết khác với văn nói ở chỗ trong giao tiếp người trả lời và người hỏi đã có những khái niệm căn bản về câu chuyện họ đang nói, cho nên khi một người hỏi, người còn lại có quyền trả lời mà không cần lặp lại ý của người hỏi. Văn viết thì ngược lại, mặc dù có câu hỏi, nhưng nếu mở bài (mở đoạn) không nhắc lại ý của câu hỏi thì sẽ làm người đọc rất mơ hồ không biết bài văn này đang nói về cái gì. Thử nghĩ nếu người đọc không có cái đề bài thì làm sao họ có thể biết được người viết đang viết cái gì?!
Cụ thể trong ví dụ trên, chúng ta không hề giới thiệu câu truyện tên gì mà cứ nhảy thẳng vào “đây là lần đầu tiên tôi nghe câu truyện. Nó rất là ý nghĩa. Tôi rất thích nó…”, vậy liệu có được bao nhiêu người hiểu được ý bạn đang nói gì nếu họ không có đề bài?
Đề xuất: "I really like the story "Lưu Bình - Dương Lễ" because it teaches me a very meaningful lesson about friendship."
No comments:
Post a Comment